Lượng sữa mẹ đang ổn định thì tự nhiên giảm đột ngột, và mẹ không hiểu tại sao tự nhiên sữa của mình giảm. Mẹ Sóc Bông khẳng định rằng: không có gì tự nhiên mà sữa mẹ giảm một cách nhanh chóng. Tôi sẽ đưa ra 9 nguyên nhân khiến sữa giảm để các mẹ có hướng khắc phục giúp tăng lượng sữa trở lại.
1. Căng thẳng
Khi mẹ gặp những vấn đề trong cuộc sống, công việc hằng ngày, những yếu tố bên ngoài tác động đến mẹ. Mẹ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, và lúc nào cũng trong tình trạng thái bất ổn, thì chắc chắn cơ thể mẹ sẽ có những tác động khiến sữa bị giảm.
2. Mất ngủ, thiếu ngủ
Giấc ngủ là vô cùng quan trọng. Khi ngủ cơ thể mẹ sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn, thoải mái, sau một ngày vất vả công việc, chăm con. Nếu bị mất ngủ thì khả năng cao mẹ cũng rất dễ bị giảm sữa.
3. Không cho con bú thường xuyên
Thời gian này, mẹ bận công việc, hay phải đi công tác hay mới đi làm. Dẫn đến mẹ không có nhiều thời gian ở bên con, hay cho con bú thường xuyên như trong giai đoạn trước. Điều này khiến cho cơ thể mẹ hiểu rằng, em bé đang giảm nhu cầu bú sữa. Và ngực mẹ sẽ giảm tiết sữa để phù hợp với nhu cầu hiện tại.
4. Không hút sữa đều đặn
Đối với những mẹ hút sữa hoàn toàn, thì việc hút sữa đều đặn là vô cùng quan trọng. Mẹ giãn cữ đột ngột, rất dễ bị giảm sữa. Mỗi mẹ sẽ có phản ứng khác nhau với việc giãn cữ. Có mẹ giãn lên 4 tiếng hút 1 lần thì lượng sữa vẫn duy trì, thậm chí tăng lên. Nhưng cũng có mẹ cứ giãn cữ 1 chút là sữa giảm.
5. Hút sữa không hiệu quả
Việc mẹ hút sữa không hiệu quả, sữa còn ứ lại trong ngực rất dễ khiến cơ thể mẹ điều tiết lại lượng sữa và giảm sữa. Ví dụ như khi mẹ đi làm, hay mẹ có việc bận, mẹ không có thời gian hút đến khi mềm ngực mà chỉ hút lưng lửng. Hay việc kích thích phản xạ xuống sữa kém làm cho lượng sữa hút ra không được nhiều. Điều này cũng chính là khởi đầu khiến mẹ giảm sữa.
6. Dùng thuốc
Có một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng sữa. Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc khi cho con bú.
7. Thay đổi nội tiết
Ví dụ như khi mẹ bắt đầu có kinh trở lại, hoặc vào 1 số ngày có kinh nguyệt, sữa mẹ có xu hướng giảm đi 1 chút. Tuy nhiên điều này không quá đáng ngại, nếu mẹ vẫn duy trì cho con bú thường xuyên, hay vẫn hút sữa đều đặn.
8. Mẹ gặp vấn đề liên quan đến tuyến giáp
Mẹ gặp các bệnh tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp thì cũng có thể ảnh hưởng lượng sữa và thậm chí còn gây giảm sữa đột ngột.
9. Tắc sữa, viêm vú
Việc mẹ bị tắc sữa, viêm vú sẽ làm ứ đọng sữa trong ngực mà không thể thoát ra. Điều này sẽ khiến cơ thể giảm sản xuất sữa do nhận ra việc dư thừa sữa trong ngực không được giải phóng.
Với 9 nguyên nhân khiến sữa giảm đột ngột ở trên, mẹ có thể hoàn toàn lường trước được và có biện pháp để điều chỉnh lượng sữa tăng lên. Nếu mẹ gặp khó khăn hay bất cứ lo lắng về việc giảm sữa thì hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn sữa mẹ để được hỗ trợ.