Em bé của bạn đang trong giai đoạn phát triển qua từng ngày. Thường khi bé được 3 hoặc 4 tháng tuổi, bé sẽ không thể nằm yên bú như trước. Chân tay bắt đầu loại xạ, và bé bú không tập trung, dễ xao nhãng. Bé bắt đầu để ý tới môi trường xung quanh, âm thanh, ánh sáng, tiếng của người khác,… Điều đó thật mới mẻ, khiến em bé cảm thấy hứng thú hơn và không thể bú một mạch từ đầu đến cuối.
Đây hoàn toàn là một hiện tượng hết sức bình thường, đánh dấu sự trưởng thành của con. Khi bú, con nghe thấy tiếng động lạ, hay có người bước vào phòng, con sẽ đẩy vú ra và ngoảnh ra để tìm kiếm ở nơi phát ra âm thanh. Con nhìn thấy ánh đèn từ đồ chơi, hay từ thiết bị điện đang nhấp nháy. Con thích thú với điều đó hơn và bú không tập trung. Con đang bú được 1 vài phút nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ điện thoại con ngoái lại nhìn, rồi lại quay vào bú. Được một lúc thì có tiếng bước chân của người khác vào phòng, còn lại nhả vú để nhìn ra. Sau đó con lại tiếp tục bú, cứ như vậy, quay ra quay vào suốt cữ bú.
Vậy làm thế nào để con có thể giúp bé bú tập trung hơn, Mẹ Sóc Bông sẽ đưa ra những gợi ý mà các mẹ có thể tham khảo sau đây:
Thiết lập một môi trường cho bú phù hợp
- Mẹ nên cho con bú trong một phòng riêng, chỉ có 2 mẹ con, hạn chế nơi có nhiều người qua lại như phòng khách. Điều này giúp tránh việc con dễ để ý đến mọi người hơn là tập trung bú mẹ.
- Phòng có thể hơi tối 1 chút, hoặc mẹ chọn đèn có ánh sáng dịu nhẹ, để tránh kích thích thị giác của con.
- Hạn chế có tiếng ồn, tắt các thiết bị điện tử như ti vi, loa đài,… Mẹ có thể mở nhạc không lời nhẹ nhàng, âm lượng nhỏ để tránh bé xao nhãng.
- Mẹ nên hạn chế tương tác nói chuyện với con trong khi bú, nếu có nói thì cũng nhỏ nhẹ, tránh làm bé phấn khích như được chơi đùa cùng mẹ.
- Nếu mẹ cho con bú mẹ ở nơi đông người, thậm chí tại nhà với môi trường không đảm bảo yên tĩnh. Mẹ hoàn toàn có thể sử dụng khăn choàng lớn, hay khăn choàng bú chuyên dụng, để giúp bé tập trung hơn.
Sắp xếp các cữ bú hợp lý
Việc bé chưa thực sự đói, cũng khiến cho con không quá hứng thú với việc bú sữa. Chính vì vậy, mẹ cần quan sát dấu hiệu đói của con. Hoặc chủ động giãn cữ bú nếu thấy đến giờ ăn mà con chưa đói. Khi con đói, con sẽ bú tập trung hiệu quả hơn.
Thay đổi tư thế bú
Mẹ thử các tư thế để xem ở tư thế nào bé bú ổn nhất. Ví dụ như ở tư thế bú nằm, mẹ cho con nằm bên trong, người mẹ sẽ che chắn mọi tác nhân có thể xuất hiện làm gián đoạn cữ bú chẳng hạn.
Cuối cùng, Mẹ Sóc Bông khẳng định rằng, giai đoạn này sẽ trôi qua nhanh thôi. Bé lớn tháng hơn thì con có thể vẫn để ý mọi thứ xung quanh mà vẫn tiếp tục bú mà không có ảnh hưởng gì. Vì vậy, thời điểm này dù bé bú không tập trung thì cũng đừng quá lo lắng, hãy thử những hướng dẫn ở trên để hỗ trợ bé nhé.
Pingback: Bé cắn ti khi bú mẹ - mẹ cần phải làm gì?