Con Khóc Khi Bú Mẹ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Phần 1
Khi con khóc khi bú mẹ, nhiều bà mẹ có thể cảm thấy lo lắng và bối rối, không biết nguyên nhân do đâu và làm thế nào để giúp con cảm thấy thoải mái hơn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các nguyên nhân phổ biến khiến con khóc khi bú mẹ và những cách khắc phục hiệu quả nhất.
Tại Sao Con Khóc Khi Bú Mẹ?
Vào giai đoạn 6-8 tuần hoặc ở bất cứ thời điểm nào, nếu mẹ thấy con có dấu hiệu quấy khóc khi bú, thì rất có thể con đang gặp những vấn đề dưới đây. Còn nếu mẹ thấy con khóc không chỉ lúc bú, thì mẹ tham khảo Trẻ sơ sinh khóc là do đâu? Tìm hiểu 10 lý do từ Mẹ Sóc Bông.
Sau đây, Mẹ Sóc Bông sẽ hướng dẫn các mẹ cách xác định vấn đề, theo từng bước, để có cách giải quyết hợp lý.
1. Giai đoạn phát triển của bé
Đầu tiên, mẹ hãy xác định con bao nhiêu tuần tuổi. Vì trẻ sơ sinh đều sẽ trải qua những giai đoạn phát triển vượt bậc như 2-3 tuần tuổi, 4-6 tuần tuổi, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng,… Và khi vào những giai đoạn này, con có thể khó chịu hơn, dẫn đến cáu gắt khi bú.
2. Mất tập trung khi bú
Bé có đang tập trung bú không? Vì đến giai đoạn con đang dễ bị xao nhãng bởi những yếu tố xung quanh, nên đôi khi con không thực sự hào hứng bú. Thêm nữa, mẹ có thể đang cho con bú quá thường xuyên, khi con không thực sự có nhu cầu bú.
3. Dựa vào thời điểm bé khóc trong cữ bú
- Nếu bé khóc ngay lúc có phản xạ xuống sữa thì khả năng cao liên quan đến việc sữa chảy nhanh.
- Nếu bé khóc trước khi có phản xạ xuống sữa, hoặc sau khi bú vài phút thì có thể con đang mất kiên nhẫn với tốc độ chảy của sữa.
- Con khóc lúc gần cuối cữ bú thì có thể con muốn được ợ hơi, muốn dừng cữ bú, hoặc thậm chí con đang muốn bú tiếp, cần đổi bên ngực.
4. Bé chỉ khóc ở cữ bú cuối ngày
Bé khóc nhiều vào cữ bú cuối ngày: thường thì hầu như các bé sẽ có tình trạng này. Vào cuối ngày con thường có xu hướng khó chịu quá hơn.
5. Bé chỉ khóc khi bú 1 bên ngực
Con chỉ quấy khóc ở một bên ngực, còn bên còn lại thì không: rất có thể bé cảm thấy thích và thoải mái, với bên ngực có cấu tạo, có tốc độ chảy sữa phù hợp với bé hơn.
6. Bé gặp các vấn đề răng miệng
Con có đang mọc răng, hay gặp các vấn đề về răng miệng như nấm miệng, tưa lưỡi hay không.
7. Bé chê ti mẹ
Bé có dấu hiệu chê ti mẹ không? Thường xảy ra ở các bé bú mẹ và bú bình song song.
8. Bé bị đầy hơi
Con có bị đầy hơi không? Mặc dù bé bú mẹ thì khả năng đầy hơi ít hơn so với bé bú bình. Tuy nhiên trước khi bú nếu con khóc nhiều, bé bú mạnh con cũng có thể nuốt phải hơi nhiều hơn. Nếu con khóc và giật vú liên tục thì mẹ cũng không nên bỏ qua tình trạng này.
9. Bé ốm
Bé có đang bị ốm bệnh, như ho nghẹt mũi, sốt,… cũng là nguyên nhân khiến bé khóc khi bú mẹ.
10. Bé vào giai đoạn ăn dặm
Bé đang trong giai đoạn ăn dặm, thì mẹ cũng lưu ý xem con có bị dị ứng, phản ứng với thức ăn nào không. Hoặc bé ăn dặm tốt đôi khi không hợp tác ở 1 số cữ bú mẹ.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến con khóc khi bú mẹ. Các mẹ hãy theo dõi tiếp Phần 2 để biết cách xử lý vấn đề này nhé!