Trong thời gian đầu sau sinh, nhiều trẻ sơ sinh có thể gặp tình trạng lẫn lộn ngày đêm, khiến cha mẹ gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và nghỉ ngơi. Mẹ Sóc Bông cũng đã từng trải qua tháng đầu tiên, những đêm con thức là cả nhà đều không ngủ được, vô cùng mệt mỏi. Và trong quá trình tư vấn cho các mẹ, mình cũng nhận ra đây cũng là vấn đề mà các bé rất hay gặp phải. Vậy để giúp bé phân biệt ngày đêm thì chúng ta cần tìm hiểu về tình trạng lẫn lộn ngày đêm này nhé.
Nguyên nhân lẫn lộn ngày đêm ở trẻ sơ sinh
Sự phát triển thần kinh của bé: Trẻ sơ sinh chưa phát triển đủ để điều chỉnh chu kỳ ngủ như người lớn, dẫn đến sự lẫn lộn giấc ngủ ban ngày và ban đêm.
Môi trường xung quanh chưa phù hợp: Nhất là vào tháng đầu sau sinh, hầu như con ở trong phòng, với đèn sáng kể cả ban đêm để thuận tiện trong việc chăm sóc như cho bú, thay bỉm.
Thói quen chăm sóc không đồng nhất: Các hoạt động chăm sóc bé diễn ra không có sự đồng nhất, để giúp bé phân biệt ngày, đêm. Cha mẹ, ông bà vẫn có những thói quen nói chuyện, hay tương tác với bé giống nhau kể cả đêm lẫn ngày.
Chu kỳ ngủ của bé chưa ổn định: Trẻ sơ sinh thường có chu kỳ ngủ ngắn và thường xuyên thức dậy do cần ăn, cần được thay tã, hoặc do cảm thấy không thoải mái.
Thiếu kế hoạch chăm sóc ngủ đêm: Nhiều bé chưa có kế hoạch ngủ đêm rõ ràng, dẫn đến việc thức dậy thường xuyên vào ban đêm khiến cho bé lẫn lộn ngày đêm.
Cách khắc phục
Để giúp bé sơ sinh có thói quen ngủ ngày đêm hợp lý và giảm thiểu tình trạng lẫn lộn giấc ngủ, có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Giới hạn thời gian giấc ngủ ban ngày:
- Không để bé ngủ mỗi giấc ban ngày quá lâu, tối đa khoảng 2 giờ đồng hồ, tốt nhất là khoảng 1,5 – 2 giờ.
- Thời gian thức giữa các giấc ngủ ngày cần đủ dài, ít nhất là 45-50 phút để bé không quá mệt mỏi hoặc thức chưa đủ dẫn đến bé không thực sự có nhu cầu ngủ dài vào ban đêm
- Tạo môi trường khác nhau vào ban ngày và ban đêm:
- Ban ngày:
- Tăng ánh sáng tự nhiên và tiếng động để bé phân biệt rõ ràng giữa ngày và đêm.
- Khi bé thức dậy, thực hiện các hoạt động như vỗ về, thay tã, chơi đùa trước khi cho bé ngủ tiếp.
- Ban đêm:
- Giảm ánh sáng và giữ cho không gian yên tĩnh. Môi trường ngủ thật tối nhé. Nếu cần bật đèn để thay bỉm, cho bé ăn thì mẹ có thể dùng đèn ngủ mờ, các hoạt động diễn ra trong nhẹ nhàng, nhanh chóng, ba mẹ hạn chế nói chuyện, đặc biệt khi cho bé bú đêm tránh tương tác mắt, hỏi chuyện bé.
- Thay tã trước khi cho bé ăn để bé không bị gián đoạn khi ăn đêm. Nếu con không ị, bỉm tè không quá nhiều thì mẹ cũng không nhất thiết phải tay tã khi bé dậy bú đêm.
- Ban ngày:
- Gọi bé dậy vào ban ngày:
- Nếu bé ngủ quá lâu trong giấc ngủ ban ngày, có thể tháo quấn, thay tã, lau mông và mặt bằng nước mát để giúp bé tỉnh dậy.
- Nếu bé vẫn tiếp tục ngủ, đợi thêm 20 phút để bé đi qua chu kỳ ngủ sâu (NREM), sau đó gọi bé dậy khi bé đang trong chu kỳ ngủ động REM để hiệu quả hơn.
- Thiết lập thói quen ngủ đêm cho bé:
- Thiết lập một quy trình chuẩn bị cho bé trước khi đi ngủ như tắm, mát-xa, thư giãn, cho bú và sau đó làm trình tự ngủ.
- Điều này giúp bé nhận biết rõ ràng khoảng thời gian đi ngủ và thúc đẩy sự thích nghi với chu kỳ ngủ đêm.
- Áp dụng phương pháp EASY (Eat, Activity, Sleep, Your Time):
- EASY giúp thiết lập một lịch sinh hoạt rõ ràng cho bé, giúp bé có thể dễ dàng hòa nhập và cân bằng giữa hoạt động thức và giấc ngủ.
Cuối cùng, mẹ cần kiên trì, nhất quán thực hiện và chờ đợi bé thích nghi và làm quen nhé. Nếu mẹ cảm thấy vẫn khó khăn với tình trạng lẫn lộn ngày đêm của bé thì hãy tìm đến chuyên gia về giấc ngủ để được hỗ trợ nha.