Trẻ sơ sinh khóc là do đâu? Tìm hiểu 10 lý do từ Mẹ Sóc Bông

Điều mà các cha mẹ lo lắng mỗi khi trẻ sơ sinh khóc là không biết lý do con khóc là gì và làm thế nào để xoa dịu cơn khó chịu đó của con. Vậy làm sao để chúng ta dỗ được một em bé đang khóc? Trước hết, các mẹ cùng tìm hiểu với Mẹ Sóc Bông về 10 lý do khiến cho trẻ sơ sinh khóc nhé.

Thực tế rằng, tiếng khóc của trẻ là một tín hiệu con muốn phát đi một thông điệp. Đó là “Ba mẹ ơi, con cần giúp đỡ. Con mong muốn điều gì đó mà cần ba mẹ đáp ứng tại thời điểm này.” Con chưa thể nói với ba mẹ, nên con chỉ có tiếng khóc mà thôi. Nên ba mẹ đừng quá căng thẳng khi con khóc, mà hãy chậm lại cùng tìm hiểu xem con khóc vì lý do gì. Khi đã xác định được nguyên nhân, chắc chắn chúng ta sẽ đáp ứng được đúng nhu cầu của con.

Tại sao trẻ sơ sinh khóc
Trẻ sơ sinh khóc là do đâu?

1. Trẻ sơ sinh khóc là do đói

Khi trẻ đói, một số trẻ háu ăn muốn được ăn ngay và không chịu nổi cơn đói. Tuy nhiên, nếu đã khóc vì đói thì đó là tín hiệu muộn rồi. Vậy ba mẹ cần phát hiện tín hiệu đói sớm của bé để cho ăn kịp thời. Hoặc có thể xem thời gian cữ ăn trước đó diễn ra lâu chưa. Ví dụ như một em bé 1 tháng tuổi khóc và trước đó đã bú cách đó 2,5-3 tiếng, thì khả năng cao là con đói. Các ba mẹ xem thêm Dấu hiệu đói của trẻ và cách nhận biết từ Mẹ Sóc Bông.

2. Trẻ sơ sinh khóc do mệt

Người lớn khi mệt dễ dàng thiếp đi, chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh không phải như vậy. Khi trẻ mệt do thức quá nhiều so với khả năng, cơ thể sẽ sản sinh hormone để có thêm năng lượng, khiến con khó đi vào giấc ngủ và tỉnh giấc khóc trong giấc ngủ.

3. Tã bẩn

Có những em bé tã ướt hoặc bẩn hàng giờ nhưng không có gì khó chịu, vẫn ăn ngủ tốt. Tuy nhiên, có những em bé khá nhạy cảm, hoặc độ thấm hút của bỉm không tốt, khiến con cảm thấy ướt át khó chịu. Mẹ cần lựa chọn loại bỉm tốt và để ý thay bỉm cho con để con thấy thoải mái. Đây cũng là một nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc mà mẹ cần lưu ý.

4. Đầy hơi

Nếu mẹ thấy em bé khóc ngay sau khi bú, đó là dấu hiệu điển hình cho thấy bé cần được ợ hơi. Nhưng cũng có những lúc khác mẹ cần phải ợ hơi cho bé, như sau khi ngậm núm vú giả, bị nấc cụt,… hoặc khóc. Tất cả những hoạt động này có thể khiến bé nuốt không khí. Khi thấy em bé khóc không rõ lý do, hoặc con khóc gồng người, co chân thì khả năng cao con đang đầy hơi. Mẹ nên vỗ ợ cho con để giúp con thoát hết khí ra sẽ rất thoải mái.

Bé khóc lớn do đầy hơi
Đầy hơi cũng khiến bé khóc lớn

5. Mọc răng

Khi trẻ được 3-4 tháng, đó là thời điểm con có thể mọc răng. Khi mọc răng, bé có thể sưng đau lợi, khó chịu dẫn đến dễ quấy khóc. Biểu hiện khi trẻ mọc răng là con tăng tiết dãi nhiều hơn và thích gặm bất cứ thứ gì trong tầm với. Cách giúp bé thoải mái khi mọc răng là cho bé ngậm vú giả, gặm nướu. Nếu con quá đau đớn khi mọc răng mà mẹ thử mọi cách con không dịu thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

6. Con ốm sốt

Khi con bị bệnh, trẻ rất khó chịu, mệt mỏi. Đây là lý do khiến trẻ sơ sinh khóc khiến mẹ lo lắng nhất. Hầu hết cha mẹ đều biết tiếng khóc thông thường của trẻ sơ sinh như thế nào. Nếu trẻ không ngừng khóc hoặc khóc to và lâu hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tật. Nếu mẹ thấy con có các triệu chứng khác như sốt, nôn mửa, trẻ không tỉnh táo hoặc không thể dỗ dành thì hãy đưa bé đi khám.

7. Thu hút sự chú ý

Khi em bé của bạn đang tự chơi một mình trên thảm chơi, với những đồ chơi treo lơ lửng phía trên, rồi bỗng dưng con khóc. Bé vừa được cho bú, và không có dấu hiệu đầy hơi hay mệt mỏi gì. Nếu bạn bế con lên hoặc lại gần nói chuyện với con và con ngừng khóc thì rất có thể con đang muốn được quan tâm, gần gũi. Trẻ biết khóc để thu hút sự chú ý từ người chăm sóc.

8. Bị kích thích quá mức

Hệ thần kinh của trẻ khá non nớt, con chưa thể làm quen và thích ứng ngay với môi trường mới. Có quá nhiều thứ tác động đến con như nhiều người, tiếng ồn xung quanh, được truyền tay từ người này sang người kia. Con được đưa đến trung tâm thương mại, nơi công cộng xa lạ với nơi ở của con, khiến bé choáng ngợp và rất dễ khóc để phản ứng lại.

9. Con khó chịu

Khi bạn bị bụi bay vào mắt, sợi vải quấn quanh ngón chân hoặc mép quần áo cọ xát vào da, chúng ta dễ dàng giải quyết. Nhưng một đứa trẻ chưa biết nói chỉ có một cách để cho ba mẹ biết rằng con không thoải mái. Ngay cả khi chiếc áo quá chật, chất liệu vải không thân thiện, cũng khiến con bực tức. Có những bé khó chịu với ánh sáng quá gay gắt hoặc âm thanh lớn. Mẹ cần phải quan sát để tìm ra điều gì đang làm con không thoải mái.

Con khóc vì khó chịu
Con khó chịu vì những yếu tố bên ngoài

10. Colic

Theo AAP, Colic là tình trạng trẻ sơ sinh khỏe mạnh khóc hơn ba giờ một ngày, hơn ba ngày một tuần, trong hơn ba tuần liên tiếp. Trẻ sơ sinh bị Colic khóc nhiều, khó dỗ dành và gián đoạn giấc ngủ của bé, gây căng thẳng cho cha mẹ. May mắn là Colic thường không kéo dài, bé sẽ giảm dần khi lớn hơn.

Sau khi đọc xong 10 lý do khiến trẻ sơ sinh khóc từ Mẹ Sóc Bông, chắc hẳn cha mẹ đã hiểu phần nào về tiếng khóc của bé. Điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy thật sự bình tĩnh. Dần dần, cha mẹ sẽ bắt nhịp được tiếng khóc của con và hiểu được thông điệp mà con đang truyền tải. Khi đó, sự kết nối và niềm tin tưởng của trẻ với ba mẹ sẽ càng vững chắc.

3 bình luận trong “Trẻ sơ sinh khóc là do đâu? Tìm hiểu 10 lý do từ Mẹ Sóc Bông”

  1. Pingback: 9 nguyên nhân khiến sữa giảm đột ngột mà mẹ không để ý

  2. Pingback: Dấu hiệu nào khiến mẹ cảm thấy bị giảm sữa

  3. Pingback: Dấu hiệu bú đủ sữa mẹ của trẻ sơ sinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mục lục
Lên đầu trang